Published On: 28 Tháng 8, 2016Last Updated: 21 Tháng 12, 2024Categories: Bài viết chuyên đềTags: , ,

Ông được coi như là tổ sư của Origami hiện đại, người đã đưa Origami lên hàng nghệ thuật – nhưng các bạn trẻ có lẽ ít biết về ông cũng như thấy hình tác phẩm của ông. 

Hangar-7, 2005

Akira Yoshizawa sinh ngày 14-3-1911 trong một gia cảnh khiêm tốn ở Kaminokawa, thuộc quận Tochigi không xa Tokyo, cha làm trong trại sản xuất bơ sữa. 13 tuổi ông lên Tokyo làm cho một hãng sản xuất máy công cụ và theo học các lớp buổi tối – sau đó ông trở thành họa viên kỹ thuật và đảm nhận việc dạy hình học cho nhân viên tập sự – và ông đã minh họa bằng cách xếp giấy! Khoảng thời gian này ông cũng theo học Phật pháp hai năm.

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, năm 1943 ông gia nhập quân đội làm người phục vụ trong quân y và ông đã trang trí giường của các bệnh nhân bằng các mẫu Origami. 1945 hết nghĩa vụ ông về lại Tochigi – sau đó quay lại Tokyo và thử kiếm sống bằng Origami trong khi vẫn làm thêm những công việc chân tay để tồn tại. Dần dần nhiều người bắt đầu biết đến khả năng xếp giấy độc đáo của ông.

Ông được biết đến như một nghệ sĩ xếp giấy khi Tadasu Iizawa, chủ biên tạp chí hình ảnh “Asahi Graf” muốn minh họa 12 con giáp bằng Origami. Iizawa đã đi tìm và cuối cùng gặp Yoshizawa đang đi bán dạo tsukudani (một loại thức ăn) trong bộ quân phục nhàu nát (bộ quần áo duy nhất!). Iizawa mua cho ông quần áo mới và đưa ông về ở trong một khách sạn – tại đây Yoshizawa đã liên tục làm việc và sáng tác đủ bộ 12 con giáp đúng thời hạn và các mẫu này được in trên số Asahi Graf tháng 1/1952 – Chúng đã gây tiếng vang lớn và qua một đêm, Yoshizawa trở nên nổi tiếng ở Nhật!

1954 – Ông sáng lập International Origami Centre ở Tokyo. Quyển sách đầu tay của ông, Atarashi Origami Geijutsu (Nghệ thuật xếp giấy mới) cũng ra đời vào năm này. Đây cũng là quyển sách đầu tiên với hệ thống ký hiệu chỉ dẫn mà sau này với sự bổ sung, thay đổi đôi chút của Samuel Randlett (Mỹ) vào thập niên 1960 đã trở thành chuẩn quốc tế cho sách Origami cho đến nay.

Iizawa tiếp tục giúp đỡ, giới thiệu thêm hợp đồng cho Yoshizawa và 1955 giúp Yoshizawa tổ chức một cuộc triển lãm lớn ở Ginza – Tokyo và ông đã sáng tác rất nhiều mẫu mới cho cuộc triển lãm đầu tiên này.

Danh tiếng của ông cũng vượt ra ngoài nước Nhật khi độ 300 mẫu Origami của ông được bày tại Stedelijk Museum, Amsterdam thông qua Gershon Legman (ông này đã làm quen và thuyết phục Yoshizawa gởi các mẫu triển lãm ở Tokyo cho mình).

Lúc này người tây phương bắt đầu chú ý đến Origami và cuộc triển lãm này đã được tường thuật rộng rãi ở châu Âu. Origami được biết đến ở tây phương vào khoảng thập niên 1960 nhờ công lớn của Robert Harbin, người đã trình bày một chương trình Origami trên tivi ở Anh, và bà Lillian Oppenheimer, người sáng lập ra Origami Centre ở New York (khởi đầu của Origami USA). Bà Lillian cũng giúp tổ chức triển lãm Origami của Yoshizawa ở New York 1959 và một điều rất đáng tiếc đã xảy ra khi nhiều khách tham quan tưởng đó là những vật làm bằng giấy chẳng có giá trị bao nhiêu, đã lấy đi các mẫu này trước khi ban tổ chức kịp can thiệp!

Tiếng tăm của Yoshizawa trên trường quốc tế đã khiến Japan Foundation bảo trợ ông như một đại sứ văn hóa – vì vậy ông đã chu du rất nhiều nước, dạy origami và quảng bá văn hóa Nhật.

Ông viết độ 18 quyển sách Origami, đây chỉ một phần nhỏ trong rất nhiều mẫu của ông được vẽ chỉ dẫn. Ông ước lượng mình đã sáng tác trên 50.000 mẫu vào 1989.

Ngoài công sáng tạo ra hệ thống ký hiệu chỉ cách xếp mẫu, ông còn là cha đẻ của kỹ thuật xếp ướt – được ứng dụng rộng rãi ngày nay nhất là các cao thủ thiên về phong cách nghệ thuật, xếp như điêu khắc.

Hangar-7, 2005

Ông là Phật tử và thường cầu nguyện trước khi xếp giấy. Nhưng Yoshizawa còn nổi tiếng là người xa rời các nhóm Origami và các tác giả Origami Nhật. Chỉ một số rất ít người trong vòng bạn bè và đệ tử mới được đến nhà ông và được coi mẫu của ông mà thôi. Trong quá khứ ông cũng chỉ triển lãm những mẫu đã được in trong sách – sợ sáng tác của mình bị các tác giả khác … ăn cắp.

1983 – Nhật Hoàng phong cho ông huy chương Mặt Trời Mọc, danh hiệu cao quý của xứ sở thần mặt trời.

3/1998 – ông tham dự triển lãm Origami chung với nhiều tác giả tại bảo tàng Louvre – Paris, có lẽ là cuộc triển lãm danh tiếng nhất cho đến bây giờ.

1999, 2000 – Một cuộc triển lãm lớn về sự nghiệp Origami của ông đã được tổ chức ở các thành phố Nhật, bày khoảng 1500 mẫu!

Ông mất ngày 14-3-2005.

Người vợ đầu của ông mất thời chiến. Người vợ thứ hai của ông, bà Kiyo Yoshizawa, sau khi ông mất vẫn tiếp tục công việc điều hành International Origami Society và quảng bá tác phẩm của ông tại các cuộc triển lãm cũng như in sách – bà đã được mời nói chuyện tại buổi khai mạc triển lãm origami tại Áo tháng 7/2005. Bà Kiyo qua đời năm 2020. Hai ông bà không có con.


Riêng tôi đã được thấy tác phẩm của ông bày ở các triển lãm vài lần, – rất tiếc là không đi Nhật 1999 hay 2000 được để coi cuộc triển lãm cuối đời của ông, là một cuộc triển lãm đặc biệt trong lịch sử Origami. Triển lãm này ông còn mời thêm năm người mà ông cho là đã góp phần quảng bá nghệ thuật xếp giấy của ông trên thế giới, mỗi người bày vài mẫu. Đây là một vinh dự rất lớn với người được mời – David Brill, Eric Joisel, Michael LaFosse, Jonathan Baxter và Carlos Pomaron.

Tôi có gặp ông một lần tại OUSA convention, New York 1997 – còn nhớ dáng dấp một cụ già nhỏ bé đứng bên kệ trưng bày mẫu của mình… quan sát người xem! Sau đó tôi có mua quyển sách mới ra của ông, “Living Origami” và xin ông ký tên làm kỷ niệm – đáng tiếc là bất đồng ngôn ngữ, chỉ nói được vài câu qua người thông dịch. Độ một năm trước tôi cũng có “Creative Origami” của ông và những hình ảnh trong sách đã làm tôi hứng khởi rất nhiều, một phong cách rất nghệ thuật khác với những gì tôi thấy trước đó.

Cuối 1999 tôi có đánh liều gởi một lá thư cho ông kèm với một số hình ảnh mẫu tôi sáng tác (hồi mới bắt đầu, rất đơn giản) – nhờ một cô bạn Nhật dịch và đem về Nhật (cô về thăm nhà) – đồng thời cũng nhờ cô tìm mua giùm quyển catalogue triển lãm Origami của ông. Tôi đã rất vui và cảm động khi nhận được thư ông trả lời, kèm theo là một poster triển lãm và một số hình ảnh, bài viết về ông cắt từ báo Nhật ra. Năm sau khi đã có vài sáng tác khá hơn, tôi có gởi cho ông một quyển album nhỏ kèm lời cảm ơn, nhưng không thấy hồi âm.

Tháng 8-2004, tôi tham dự Origami Tanteidan Convention ở Tokyo. Ông và vợ có xuất hiện nói chuyện – ông đã rất yếu, ngồi xe lăn và bà đã thay ông đọc diễn văn… Vài tháng sau nghe tin ông qua đời.

Tokyo 2004

 

Thông cáo triển lãm

Như đã kể ở trên, theo tôi Akira Yoshizawa còn là nghệ sĩ xếp giấy đúng nghĩa đầu tiên, theo đuổi niềm đam mê thuở nhỏ và quyết sống bằng “nghề xếp giấy”.

Tác phẩm xếp giấy của ông khung căn bản thường đơn giản nhưng xếp có hồn rất khó – có lẽ vì vậy ít thấy người xếp mẫu của ông trên các websites.

Tôi chưa từng được thụ giáo với ông, nhưng tôi thấy mình học được rất nhiều qua những hình ảnh tác phẩm của ông.

Ông phản đối việc sáng tác Origami dùng computer và đứng ngoài / xem như không biết đến khai phá về mặt kỹ thuật của Jun Maekawa, John Montroll, Robert Lang thập niên 80.

Đinh T.Giang

(tùy tài liệu, có vài mốc thời gian hơi khác nhau)

(cập nhật từ bài viết 2006)

dtg xếp mẫu Phật và Quạ của Akira Yoshizawa

 

Cách cắt giấy hình vuông
Vài nét về Origami